Polyp trực tràng là bệnh khá phổ biến ở trẻ em và có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường nếu không được điều trị đúng cách. Vậy polyp trực tràng ở trẻ em có biểu hiện gì và làm thế nào để phòng tránh.
1. Polyp trực tràng ở trẻ em có những biểu hiện gì?
Polyp trực tràng là tình trạng một hoặc nhiều khối u xuất hiện trong lòng trực tràng. Khối polyp thường có hình dáng cây nấm bám vào màng trực tràng bằng một đoạn “cuống”.
Biểu hiện nổi bật của bệnh lý polyp trực tràng ở trẻ em là đi ngoài lẫn máu và máu tươi nhỏ giọt cuối bãi dù trẻ không bị táo bón hoặc máu có thể bao ngoài khuôn phân thành sọc. Nếu phát hiện tình trạng này cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để thăm khám.
Tình trạng đi ngoài phân nhầy máu là trường hợp thường gặp ở những trẻ có polyp trực tràng sát hậu môn nên thường dễ nhầm với hội chứng lỵ. Trong một số trường hợp polyp có thể tự đứt ra dẫn đến tình trạng mất máu cấp tính đe dọa tính mạng của bệnh nhi nếu không điều trị kịp thời.
Ngoài ra, khối polyp cũng có thể sa lồi ra ngoài khi nằm ở việc trí thấp khiến cho trẻ có cảm giác đau rát. Các chứng trên thường diễn ra khá liên tục và kéo dài vài tháng đến hàng năm.
2. Các loại polyp trực tràng mà trẻ em hay mắc phải
Polyp trực tràng có 2 loại là polyp tuyến (polyp phát triển bất thường) và polyp không phải dạng tuyến (không phát triển bất thường) với mức độ nguy hiểm khác nhau.
Tuy nhiên, polyp trực tràng ở trẻ em thường gặp là polyp không phải dạng tuyến, đặc biệt là loại polyp vị thành niên (Juvenile polyp). Đây là loại polyp đơn độc, có cuống, kích thước nhỏ khoảng 0,5 – 1cm.
Một số trường hợp khác, bệnh nhi mắc phải hội chứng Peutz- Jeghers do gene STK11 đột biến. Khi đó tình trạng polyp rất nhiều ở không những đại tràng mà cả ở ruột non, thường tiên lượng nặng và có xu hướng chuyển biến sang ác tính.
Ngoài ra, bệnh nhi có những mảng sắc tố đen, chấm hắc tố ở quanh miệng và môi, niêm mạc miệng, vòm miệng, gan bàn tay, bàn chân…
3. Polyp trực tràng ở trẻ em có gây nguy hiểm hay không?
Đa số các polyp trực tràng ở trẻ em ở dạng lành tính. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các polyp thường sẽ tiếp tục phát triển to dần và chảy máu kéo dài.
Điều này khiến trẻ chậm tăng trưởng, ngày càng sụt cân và còi cọc và có thể dẫn tới những nguy cơ khác như rối loạn tiêu hóa và chảy máu tiêu hóa. Hơn nữa, nếu để lâu, những khối polyp cỡ lớn hoặc tình trạng đa polyp ở trẻ (bệnh đa polyp – polyposis) có thể phát triển thành ác tính.
Bên cạnh đó, do polyp trực tràng dễ nhầm lẫn với bệnh khác nên thường khó được phát hiện sớm, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến dưới. Điều này làm gián đoạn quá trình điều trị sớm, khiến cho polyp tồn tại lâu và có thể dẫn đến nhiều biến chứng.
4. Chẩn đoán và cách điều trị phù hợp với bệnh lý polyp trực tràng ở trẻ em
Polyp trực tràng ở trẻ em cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh nguy cơ tiến triển thành ung thư. Các phương pháp chẩn đoán thông thường là dựa vào bệnh sử, thăm khám lâm sàng hoặc thực hiện nội soi toàn bộ đại trực tràng. Trong đó phương pháp nội soi đại tràng được ưu tiên nhiều hơn
Tương tư như khi điều trị cho người lớn, các bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt polyp qua nội soi nếu phát hiện polyp ở trực tràng của trẻ. Trong quá trình nội soi, bệnh nhân được bác sĩ kiểm tra toàn bộ đại tràng qua màn hình phóng đại kết nối với camera gắn ở ống nội soi và tiến hành đốt điện cắt.
Hầu hết các bệnh nhi sau khi phẫu thuật có tình trạng sức khỏe ổn định và có thể được xuất viện ngay vì thủ thuật nội soi này khá an toàn. Chỉ riêng những trường hợp có triệu chứng khó chảy máu tiếp diễn cần được theo dõi lâu hơn.
Phần lớn trẻ sẽ chấm dứt tình trạng đi ngoài lẫn máu nhờ kết quả cắt polyp qua nội soi. Tỷ lệ tái phát bệnh rất thấp nhưng vẫn có một vài trường hợp có thể tái phát polyp cần được theo dõi và điều trị tiếp.
5. Cách phòng tránh bệnh polyp trực tràng ở trẻ em
Mặc dù nguy cơ mắc bệnh polyp trực tràng ở trẻ em không quá cao nhưng cũng có những ảnh hưởng đáng lo ngại đến sức khỏe lâu dài của trẻ. Vậy nên để phòng ngừa bệnh polyp trực tràng, quý phụ huynh cần chú ý đến một số yếu tố như sau:
- Theo dõi tình trạng của con em mình nếu đã từng mắc polyp trực tràng. Bệnh nhi nên đi khám lại và soi trực tràng để đánh giá hiệu quả điều trị sau 6 tháng phẫu thuật.
- Thực hiện thăm khám sàng lọc khi gia đình có tiền sử người thân mắc bệnh
- Xây dựng khẩu phần ăn nhiều rau, củ, quả và ngũ cốc, hạn chế lượng chất béo trong khẩu phần hàng ngày cho trẻ.
- Khuyến khích trẻ thói quen sống, sinh hoạt lành mạnh, tăng cường vận động, luyện tập thể thao và kiểm soát tốt cân nặng của cơ thể.
Hy vọng những thông tin chi tiết về bệnh polyp trực tràng ở trẻ em trong bài viết phần nào giúp các bậc phụ huynh có thể tham khảo và theo dõi sức khỏe con em mình. Đồng thời, cha mẹ có thể thực hiện theo lời khuyên từ các chuyên gia để phòng tránh bệnh cho trẻ.